Magnesium citrate


Phân loại:

Dược chất

Mô tả:

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Magnesium citrate.

Loại thuốc

Khoáng chất.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 97 mg, 100 mg, 200 mg, 300 mg.

Dung dịch uống: 290 mg/5ml.

Dược động học:

Hấp thu

Sự hấp thụ ở ruột không tỷ lệ thuận với lượng magne mà phụ thuộc chủ yếu vào nồng độ magne huyết. Nồng độ magne càng thấp, càng nhiều cation được hấp thụ trong ruột.

Magne được hấp thu chậm và không hoàn toàn - chủ yếu ở ruột non. Phần không hấp thụ được có thể tạo ra tác dụng nhuận tràng.

Nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt được sau 4 - 7 giờ. Sau 6 giờ, khoảng 80% magne được hấp thu.

Phân bố

Magne là cation hóa trị hai nội bào chính, và hàm lượng trong cơ thể người trưởng thành bình thường là khoảng 22,6g. Khoảng 60% magne có trong xương, trong đó 30% có thể trao đổi và có chức năng như một bể chứa để ổn định nồng độ trong huyết thanh. Khoảng 20% ​​nằm trong cơ xương, 19% trong các mô mềm khác và dưới 1% trong dịch ngoại bào.

Sau khi uống, sự phân bố magne trong cơ thể phụ thuộc vào trạng thái bão hoà của mức magne trong từng trường hợp cụ thể. 

Nồng độ magne trong huyết thanh có thể thay đổi trong ngày. Tăng kích thích thần kinh cơ có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt magne.

Chuyển hóa

Hoạt chất magnesium citrate dễ dàng phân ly thành các ion magne và citrate trong dung dịch nước. Những thành phần này là cấu tạo tự nhiên của cơ thể con người.

Thải trừ

Magne được bài tiết chủ yếu qua thận bằng quá trình lọc ở cầu thận. Trong điều kiện bình thường, 3 - 5% lượng ion được lọc (2 - 4 mM mỗi ngày) được bài tiết qua nước tiểu. Sự bài tiết magne ở thận được tăng lên trong quá trình bài niệu do glucose, amoni clorua, furosemide, acid ethacrynic, và các chất hữu cơ.

Dược lực học:

Nhóm dược lý: Khoáng chất, magie citrate. 

Mã ATC: A12CC04

Magne là đồng yếu tố trong > 300 phản ứng enzym. Nó hoạt động như một đồng yếu tố cần thiết cho tất cả các enzym liên kết ATP.

Magne đóng một vai trò quan trọng trong cân bằng nội môi điện giải tế bào và ổn định màng thần kinh cơ.

Magne có liên quan đến những chất sau:

  • Ức chế dẫn truyền thần kinh cơ và ổn định các phospholipid của màng tế bào.

  • Magine hoạt động như một chất đối kháng caci sinh lý và do đó điều chỉnh sự co bóp của tim và ổn định nhịp tim. Thiếu magne đã được chứng minh là dẫn đến các rối loạn tim mạch như rối loạn nhịp tim, có thể được biểu hiện bằng nhịp tim nhanh, nhịp sớm hoặc nhịp tim hoàn toàn không đều (rung tim).

  • Tình trạng nồng độ magne thấp dẫn đến co mạch động mạch và kết tập tiểu cầu. Bệnh nhân đau nửa đầu thường có mức magne thấp, do đó, thiếu magne đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của chứng đau nửa đầu.



Chat with Zalo